Thứ Hai, 09/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

14/10/2015 12:41 3315
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Theo công văn số 304/DSVN-BT, ngày 02 tháng 6 năm 2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc lựa chọn hiện vật để xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia (đợt 4), căn cứ Thông tư số 13/2010/TT-BVHTTDL, ngày 30/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định trình tự, thủ tục công nhận Bảo vật quốc gia và điều 41a luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009. Sau khi họp bàn lấy ý kiến, Hội đồng Khoa học Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã quyết định lựa chọn 03 hiện vật để lập Hồ sơ khoa học đề nghị được công nhận là bảo vật quốc gia:

1. Bia điện Nam giao

Niên đại: Niên hiệu Vĩnh Trị 4, Đời vua Lê Hy Tông (1679), thuộc giai đoạn lịch sử phong kiến.

Với những giá trị tiêu biểu:

- Là một trong những di vật có giá trị nhất còn lại của Điện Nam Giao dựng năm thứ 4, hiệu Vĩnh Trị, đời vua Lê Hy Tông (1679).

- Tấm bia có trang trí các đề tài đặc trưng của nghệ thuật thời Lê Trung Hưng.

- Tấm bia khắc bài ký điện Nam Giao cho biết rõ về ý nghĩa lịch sử và quá trình xây dựng điện Nam Giao. Nơi vua và triều thần tiến hành đại lễ vào đầu xuân hàng năm, cầu cho quốc thái dân an.

- Tấm bia đã trải qua nhiều thế kỷ, chứng kiến nhiều sự đổi thay của lịch sử đất nước, là bằng chứng sống động về những giá trị thiêng liêng của “Quốc lễ” truyền thống.

- Tấm bia còn cho hiểu biết hơn về những giá trị lịch sử kinh thành Thăng Long xưa trên các phương diện kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật, đời sống văn hóa tâm linh của Thăng Long Đại Việt dưới các thời Lý – Trần – Lê.

Mặt trước tấm bia điện Nam Giao.

2. Ấn vàng Sắc Mệnh chi bảo

Niên đại: Tháng 10, năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), giai đoạn lịch sử phong kiến Việt Nam

Với những giá trị tiêu biểu:

- Ấn Sắc Mệnh chi bảo là loại ấn vàng có vị trí đặc biệt quan trọng trong thiết chế quân chủ phong kiến Việt Nam chỉ còn lại ở triều Nguyễn.

- Ấn Sắc mệnh chi bảo được chế tạo bằng chất liệu quý (vàng), kỹ thuật đúc, khắc công phu, là hiện vật độc bản, có giá trị đặc biệt trong sưu tập ấn của Hoàng đế vương hậu triều Nguyễn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

- Ấn Sắc mệnh chi bảo là biểu trưng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, dùng để đóng trên các loại sắc phong của vương triều.

- Ấn Sắc mệnh chi bảo là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, là nguồn sử liệu quan trọng ghi lại dấu ấn lịch sử gắn liền với vương triều nhà Nguyễn và lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Ấn vàng Sắc mệnh chi bảo.

3. Bức tranh Hồ Chủ tịch và thiếu nhi Trung, Nam, Bắc

Bức tranh được sáng tác năm 1947 giai đoạn mỹ thuật Cách Mạng Việt Nam

Với những giá trị tiêu biểu:

Là hiện vật gốc, tiêu biểu do họa sĩ Diệp Minh Châu vẽ chính bằng bằng máu của mình trên nền vải lụa vào ngày 2/9/1947 tại Nam Bộ. Bức tranh có giá trị tư tưởng sâu sắc thể hiện tinh thần yêu nước, khát vọng yêu chuộng hòa bình thống nhất đất nước và lòng kính yêu vô hạn của dân tộc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là bức huyết họa bằng lụa rất đặc biệt trong nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam bởi được vẽ bằng chính máu của người họa sĩ. Tác phẩm mang tính chân thực, chứa đựng thẩm mỹ của một tâm hồn cao đẹp.

Bức tranh Hồ Chủ tịch và thiếu nhi Trung, Nam, Bắc.

Hy vọng trong thời gian sắp tới, hồ sơ sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quyết định để nhóm hiện vật này được đứng trong danh sách Bảo vật quốc gia đợt 4 và được bảo quản trong môi trường nghiêm ngặt nhất để có thể phát huy lâu dài, xứng đáng với những giá trị lịch sử mà các bảo vật đem lại cho nhiều thế hệ sau.

Đinh Phương Châm (Phòng QLHV)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Giới thiệu bảo vật quốc gia. Ngôi Mộ cổ Việt Khê

Giới thiệu bảo vật quốc gia. Ngôi Mộ cổ Việt Khê

  • 20/03/2014 11:54
  • 4753

Mộ thuyền (hay còn gọi là mộ quan tài thân cây khoét rỗng) là một loại hình mộ táng cổ khá phổ biến ở nước ta vào giai đoạn muộn của Văn hóa Đông Sơn và tồn tại cho đến thế kỷ rất gần đây. Ngoài Việt Nam chúng ta, trong địa vực của vùng Đông Nam Á xưa kiểu hình thức mai táng này cũng tìm thấy ở phía Nam của Trung Quốc, ở Thái Lan, Indonexia và Philippin…Những phát hiện khảo cổ học về loại hình mai táng này cho thấy mộ quan tài thân cây khoét rỗng này là rất phổ biến ở Đông Nam Á vào sơ kỳ thời đại đồ sắt.