Thứ Tư, 11/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

20/03/2014 11:54 4769
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Mộ thuyền (hay còn gọi là mộ quan tài thân cây khoét rỗng) là một loại hình mộ táng cổ khá phổ biến ở nước ta vào giai đoạn muộn của Văn hóa Đông Sơn và tồn tại cho đến thế kỷ rất gần đây. Ngoài Việt Nam chúng ta, trong địa vực của vùng Đông Nam Á xưa kiểu hình thức mai táng này cũng tìm thấy ở phía Nam của Trung Quốc, ở Thái Lan, Indonexia và Philippin…Những phát hiện khảo cổ học về loại hình mai táng này cho thấy mộ quan tài thân cây khoét rỗng này là rất phổ biến ở Đông Nam Á vào sơ kỳ thời đại đồ sắt.

Năm 1961, tại công trường đào đất Việt Khê (thuộc nhà máy đóng tàu Hải Phòng), công nhân trong khi làm việc đã đào được 5 ngôi mộ có quan tài bằng thân cây gỗ khoét rỗng lòng, bốn cái bên trong quan tài không còn vết tích gì, riêng một cái có rất nhiều hiện vật (hiện nay số hiện vật ở ngôi mộ này được lưu trữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và được Thủ tướng chính phủ ra quyết định công nhận là một trong 37 hiện vật là Bảo vật quốc gia) đó là Mộ cổ Việt Khê.

Mộ cổ Việt Khê thuộc thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Ngôi mộ này tìm được ở độ sâu từ 1,5m so với mặt đất. Theo vị trí của quan tài thì biết được rằng ngôi mộ này đặt nằm theo hướng Đông Tây, hơi chếch xuống hướng Nam có thể có ý nghĩa về lễ nghi nào đó trong việc mai táng ở thời kỳ này. Quan tài chôn ở đây có hình dáng hơi đặc biệt, quan tài được làm bằng những thân cây gỗ rất lớn, đường kính gần 1m, được đẽo vạt một phần nhỏ theo chiều dọc, phần lớn còn lại được khét theo hình lòng máng để làm thân quan tài. Nắp quan tài cũng được khoét hình lòng máng nhưng nông hơn. Hai đầu quan tài đều được bịt kín bằng hai mảnh ván dày, phía ngoài hai đầu thân có hai lỗ rộng như những cái tai. Nhìn chung quan tài có dáng giống như thuyền độc mộc, đầu to, đầu nhỏ.

Nhạc đồng và chuông đồng trong mộ cổ Việt Khê.

Trong quan tài có 107 đồ tùy táng, phía đầu to của quan tài thì xếp những hiện vật lớn như: bình, thạp, đỉnh, trống đồng. Phía đầu nhỏ có đặt những công cụ và vũ khí như: Rìu, đục, dao găm, có lẽ những vật này được đặt trong một hộp sơn bằng gỗ, những hộp son này đã bị mục nát nên không xác định được rõ. Một bên mép quan tài có để các loại giáo có tra cán dài, một bên có để bơi chèo và vài vật khác. Ở giữa quan tài có chuông đồng, khay đồng và một mảnh da có sơn. Ngoài ra ở dưới đáy quan tài có nhiều đồ đan như cói đã mục nát còn để lại dấu vết rất rõ ràng trên đất bùn và còn sót lại nhiều dấu vết của vải đã bị mục nát.

Ở giữa quan tài có thể là nơi đặt thi hài người chết nhưng hiện không còn dấu vết gì để lại.

Cho đến nay, tất cả các địa điểm khảo cổ đã dược khai quật vẫn chưa phát hiện được ngôi mộ nào có chứa một khối lượng hiện vật phong phú như Mộ cổ Việt Khê.

Đồ đồng chiếm tỷ lệ cao nhất hơn 90% so với những hiện vật khác

Những công cụ và vũ khí ở đây bằng đồng thau là chủ yếu như: Đục đồng (đục bẹt, đục một, đục vũm). Nạo móc đồng là loại công cụ tương đối hiếm và là chiếc nạo đầu tiên tìm được còn khá nguyên vẹn. Dao găm đồng, kiếm đồng, giáo đồng, lao đồng… Rìu đồng (rìu lưỡi xéo, rìu hình thang, rìu hình chữ nhật): Rìu là một loại hiện vật được tìm thấy rất nhiều ở các địa điểm khảo cổ học thuộc thời đại đồng thau ở Việt Nam. Điều đó cho chúng ta thấy rìu là một loại công cụ được dùng rất phổ biến, rìu có công dụng rất lớn trong hoạt động sản xuất của con người. Do yêu cầu thực tế của sản xuất, do truyền thống và kinh nghiệm của con người thời đại đó họ đã sáng tạo ra một loại rìu rất đặc biệt đó là những chiếc rìu lưỡi xéo rất quen thuộc và nỏi tiếng mà chủ nhân trong ngôi Mộ cổ Việt Khê đã mang theo.

Dụng cụ bằng đồng như: Thạp đồng, thố đồng, bình đồng, âu đồng, đỉnh đồng, khay đồng, ấm đồng, muôi gáo hình tẩu, đèn bằng đồng.

Muôi đồng trong mộ cổ Việt Khê.

Nhạc khí bằng đồng như: Trống đồng, nhạc đôi (lục lạc), chuông đồng (chuông ống, chuông dẹt, chuông núm vuông)

Và những hiện vật khác như: Mái chèo còn tương đối nguyên vẹn, cán giáo bằng gỗ, đồ sơn trên da, đồ gỗ sơn, hòn đá, vải, đồ đan…

Đồ sơn trên da: Một mảnh da thú lớn có sơn hiện đã bị vỡ chỉ còn vài mảnh lớn và một số mảnh vỡ vụn. Mảnh da này được sơn hai lớp, lớp trong được son bằng sơn đen khá dày, lớp ngoài sơn mỏng hơn, màu đen bóng, trên vẽ những vòng tròn đồng tâm bằng sơn màu đỏ gạch hoặc màu xám, ở giữa những vòng tròn bằng sơn có nạm một núm tròn bằng kim loại trắng có thể là thiếc, mép của mảnh da và ở kẽ những vòng tròn đó có gắn kim loại trắng hình tam giác, hình thoi hoặc hình thang. Theo các nhà khảo cổ học cho biết loại sơn trên mảnh da này còn xấu, màu sắc giống với đồ sơn của nước Sở thời Chiến Quốc, có thể đồ sơn này được du nhập từ nước ngoài vào. Mảnh da này có thể là nắp của một chiếc hòm được đặt trong quan tài bên trong hòm có dấu vết của vải bị mục nát.

Qua nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, Mộ cổ Việt Khê thuộc văn hóa Đông Sơn. Hiện tượng chôn theo đồ vật chho người chết đã cho thấy con người Đông Sơn trong thời kỳ Đông Sơn quan niệm rằng chết là sự chấm dứt cuộc sống ở thế giới bên này là bắt đầu cuộc sống ở thế giới bên kia, sau khi chết cũng như đang sống, người chết vẫn phải lao động, sinh hoạt và chiến đấu. Mộ quan tài hình thuyền và bộ di vật chôn theo người chết (đồ tùy táng) thường là đồ dùng sinh hoạt, công cụ sản xuất, vũ khí, nhạc khí, đồ trang sức.

Rìu lưỡi xéo trong mộ cổ Việt Khê (bản vẽ).

Kiếm trong mộ cổ Việt Khê (bản vẽ).

Theo các nhà nghiên cứu việc chôn người chết bằng những quan tài hình của thuyền độc mộc – một công cụ giao thông trên mặt nước, mà bên trong quan tài lại có những mái chèo (bơi chèo) đã phản ánh cuộc sống của chủ nhân ngôi mộ này đã gắn bó chặt chẽ với cuộc sống trên mặt nước mà họ mong được tiếp tục bên kia thế giới. Số lượng đồ vật chôn theo cùng với loại hình và giá trị của đồ vật thì chủ nhân của ngôi Mộ cổ Việt Khê thuộc tầng lớp quyền quí, giàu có. Khi chết đã chôn theo rất nhiều đồ tùy táng quý, trong đó có rất nhiều đồ đồng và đồ sơn then, ngoài ra còn có một số đồ vật quý được du nhập từ nước ngoài vào, có nhiều đồ vật chỉ dùng cho cuộc sống xa hoa của những người giàu có như các loại đỉnh, bình, ấm… Điều đó cho thấy rằng xã hội thời văn hóa Đông Sơn phát triển đã bước vào giai đoạn phân hóa, đánh dấu việc hình thành giai cấp sự phân hóa xã hội – sự phân hóa tài sản trên cơ sở sản xuất phát triển, tạo ra của cải dư thừa dẫn tới hình thành các tầng lớp xã hội khác nhau mà sự phát triển ở giai đoạn sau của văn hóa này dã đưa đến sự hình thành Nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Lê Thị Huệ (tổng hợp)

Nguồn:

- Về ngôi mộ cổ Việt Khê-Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 1963.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Giới thiệu Bảo vật quốc gia - Bia Võ Cạnh, những ẩn số chưa được giải đáp.

Giới thiệu Bảo vật quốc gia - Bia Võ Cạnh, những ẩn số chưa được giải đáp.

  • 15/01/2014 14:02
  • 6271

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, một số học giả người Pháp như A. Bergaigne, E.Aymonier, L.Finot đã phát hiện và tiến hành nghiên cứu hệ thống di tích bi ký của người Chăm cổ. Trong số hàng trăm mảnh những được tìm thấy, bia Võ Cạnh được coi là tấm bia cổ nhất. Hiện nay, bia Võ Cạnh được công nhận là Bảo vật Quốc gia, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Phần minh văn chưa được giải mã của tấm bia luôn là một bí ẩn thú vị đối với các học giả.…