Thứ Hai, 02/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

01/02/2013 21:22 7875
Điểm: 3/5 (1 đánh giá)
Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) là cuốn sổ được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi chép trong thời gian Người bị nhà cầm quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch giam giữ, đầy ải qua 18 nhà tù của 13 huyện của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) từ tháng 8/1942 đến 9/1943.

Trong Ngục trung nhật ký, Người đã viết 133 bài thơ chữ Hán, trong đó có 126 bài theo thể tứ tuyệt của thơ Đường. Tập thơ có kích thước 9,5cm x 12,5cm, gồm 79 trang, kể cả trang bìa.

Trang bìa cuốn Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù),Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc năm 1942-1943.

Ngục trung nhật ký được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) với nguồn gốc như sau: Ngày 14/9/1955, khi đến duyệt nội dung triển lãm về Cải cách ruộng đất tại phố Bích Câu, Hà Nội, Người đã trao tác phẩm này cho đồng chí Nguyễn Việt, trưởng ban tổ chức triển lãm và nói “Tôi có quyển sổ tay cách đây mười mấy năm còn giữ đến bây giờ, các cô, các chú xem có triển lãm được thì dùng”. Cuốn Ngục trung nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đưa ra trưng bày, giới thiệu tới công chúng ngay tại triển lãm ấy. Đồng chí Trần Ngọc Chương, nguyên Phó phòng Sưu tầm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, đã được chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh giao tác phẩm tại phòng trưng bày. Sau đó, đồng chí đã tiếp nhận hiện vật này tại cơ quan Bảo tồn, bảo tàng số 35, đường 296 (nay là phố Nguyễn Đình Chiểu), Hà Nội, ngày 14/9/1955.

Tập thơ “Ngục trung nhật ký” là một minh chứng gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, tác phẩm còn mang nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn học, tư tưởng, nhân văn… của một lý tưởng cao đẹp, phấn đấu giành độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.

Trang 53 có đánh số 133 và bút tích bài thơ Kết luận trong cuốn Nhật ký trong tù

Nét nổi bật dễ nhận thấy nhất trong tập thơ “Nhật ký trong tù” là tinh thần yêu nước, lạc quan cách mạng, biến những điều trông thấy, những cảnh khổ cực, đọa đày ở trong tù trở thành niềm tin, tinh thần vươn lên khát khao đối với tự do, bình đẳng. Với Người, tự do chính là ánh sáng, là nguồn sức mạnh tiếp sức cho con người. Do đó, Người luôn luôn khao khát vươn tới tự do dù ở trong ước mơ, trong giấc ngủ, dù đó là một chút tự do hiếm hoi của chế độ nhà tù:

Hai giờ ngục mở thông hơi,

Tù nhân ngẩng mặt ngắm trời tự do

Những khát vọng tự do mạnh mẽ đó, thực chất là khao khát chiến đấu, giải phóng ách nô lệ cho nhân dân, cho dân tộc đang bị thực dân xâm chiếm. Sức mạnh của lời thơ cũng là lý trí của người chiến sĩ cách mạng, với quyết tâm vượt lên mọi đau khổ về thể xác, tâm hồn, giữ vững niềm tin vào tương lai:

Kiên trì và nhẫn nại,

Không chịu lùi một phân

Vật chất tuy đau khổ,

Không nao núng tinh thần”.

Nhưng bao trùm lên tất cả là tấm lòng yêu thương bao la của Người đối với nhân loại. Tư tưởng của tác phẩm đã phản ánh tâm hồn đại trí, đại nhân, đại dũng của người chiến sĩ cách mạng không chịu khuất phục trước kẻ thù.

Trang cuối cuốn Nhật ký trong tù có bút tích ghi chép bằng chữ Hán

Những vần thơ được viết trong tù ngục, những cảm nhận được hàng ngày trong nhà lao, trên đường đi đày từ nhà lao này sang nhà lao khác, phản ánh hiện thực về chế độ hà khắc của nhà tù Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch nhưng vẫn mang đến cho người đọc một cảm giác khoan khoái bởi một tâm hồn nghệ sĩ, một con người yêu thiên nhiên, yêu con người. Mười ba tháng bị đày ải trong nhà ngục đến nỗi:

Răng rụng mất một chiếc,

Tóc bạc thêm mấy phần,

Gầy đen như quỷ đói”

Nhưng những điều đó cũng không làm nhụt chí khí, lay chuyển niềm tin chiến thắng của người cộng sản, mà trái lại, những vần thơ còn thể hiện một tâm hồn nghệ sĩ tài hoa, một trí tuệ anh minh, linh hoạt và sắc sảo, rất nhạy cảm với vẻ đẹp thiên nhiên:

Mặc dù bị trói chân tay,

Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng”.

Những phác họa về thiên thiên dưới cái nhìn của một người mất tự do nhưng vẫn đầy lạc quan tuy sơ sài mà chân thật, thắm tình non nước. Những câu thơ như lời tự sự, trữ tình, thể hiện tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh: đó là một tấm gương nghị lực phi thường, một bản lĩnh thép vĩ đại không có gì lung lạc được:

Thân thể ở trong lao,

Tinh thần ở ngoài lao”.

Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, những phút suy tư của Người là lời phản kháng mãnh liệt đối với chế độ hủ bại và tàn bạo của Tưởng Giới Thạch trong nhà lao cũng như ngoài xã hội, phản ánh tất cả nỗi gian nguy, hiểm trở trong cuộc sống lao tù. Tác phẩm thể hiện sự ung dung như một khanh tướng của tác giả, nhưng cũng đanh thép như một tiếng hô xung phong của người chiến sĩ ngoài mặt trận:

Hôm nay xiềng sắt thay dây trói,

Mỗi bước leng keng tiếng nhạc rung;

Tuy bị tình nghi là gián điệp,

Mà như khanh tướng vẻ ung dung”.

Ngục trung nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tập nhật ký bằng thơ độc đáo, bao hàm hai yếu tố hòa hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn: chất trữ tình và chất thép.

Tập thơ Nhật ký trong tù có giá trị đặc biệt về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật diễn tả, mà tác giả chính là người Anh hùng dân tộc vĩ đại, Danh nhân Văn hóa - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài tất cả những giá trị độc đáo nêu trên, tác phẩm Nhật ký trong tù còn là hiện vật độc bản, một văn bản gốc, là văn bản duy nhất có tại Việt Nam. Chính vì những lý do nêu trên, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đã lựa chọn hiện vật gốc cuốn Ngục trung nhật ký (tức Nhật ký trong tù) của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị công nhận bảo vật quốc gia. Và ngày 1 tháng 10 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận bảo vật quốc gia cho Tác phẩm Ngục trung Nhật ký (Nhật ký trong tù).

Dương Hà

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ: