Thứ Tư, 15/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

01/02/2013 11:02 5361
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ánh sáng cho cách mạng Việt Nam khi tiếp cận với “Bản sơ thảo luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin. Từ nhiều góc độ, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy sự phù hợp giữa lý luận của cách mạng vô sản với nhu cầu giải phóng dân tộc. Để chuẩn bị cho việc gắn kết giữa phong trào giải phóng dân tộc ở trong nước với cuộc cách mạng vô sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc tích cực triển khai nhiều biện pháp sáng tạo trong quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời một chính đảng cộng sản ở Việt Nam. Năm 1924, Người về Quảng Châu - Trung Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này, mở lớp huấn luyện cán bộ và cho ra báo Thanh niên, để góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. Chính Người đã biên soạn các bài giảng chính trị cho các lớp học huấn luyện cán bộ cách mạng này. Trong hơn 2 năm, 1925 - 1927, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp mở được mười khóa huấn luyện, mỗi khóa từ 1 tháng đến ba tháng rưỡi, tổng số học viên khoảng 200 người. Nhiều học viên của lớp huấn luyện này về sau trở thành những người lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta như đồng chí Trần Phú, Phạm Văn Đồng...Đầu năm 1927, các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc ở khóa huấn luyện chính trị tại Quảng Châu được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông ấn hành, bí mật chuyển về nước và trở thành cẩm nang quý giá, định hướng cho mọi hành động cách mạng của phong trào cách mạng Việt Nam thời điểm đó và các giai đoạn tiếp theo.

Như vậy, Đường Kách mệnh đã đặt nền tảng cho việc tìm hướng đi mới trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam, gắn với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mac-Lênin với nhiều biện pháp sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam, gắn với quá trình chuẩn bị về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đường Kách mệnh là sự vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh giải phóng dân tộc gắn với cách mạng vô sản, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hai nhiệm vụ chiến lược xuyên suốt, có mối quan hệ biện chứng.

Đường Kách mệnh đề cập một cách sâu sắc đối với việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Đảng qua các thời kỳ. Đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng có tư cách đạo đức được coi là vấn đề mấu chốt có tính quyết định cho sự thành bại của cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, mở đầu tác phẩm, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh tới nhiệm vụ quan trọng bậc nhất là xây dựng “Tư cách một người cách mạng”. Những tiêu chí về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong cuốn Đường Kách mệnh là cơ sở có tính định hướng tiêu biểu cho sự ra đời nhiều tác phẩm lớn của Người sau này như “Sửa đổi lối làm việc” (1947), “Đời sống mới” (1947) và “Đạo đức cách mạng” (1958).

Đường Kách mệnh còn có một giá trị về phương pháp tổ chức cách mạng. Trong tác phẩm, tác giả giới thiệu tỉ mỉ các hình thức tổ chức cách mạng và tổ chức quần chúng quốc tế. Bên cạnh việc giác ngộ lý luận thì phương pháp xây dựng lực lượng là vấn đề sống còn của cách mạng. Chuyển từ các hình thức tổ chức cứu nước kiểu cũ sang kiểu mới không chỉ là thay đổi về quan điểm quần chúng, về giáo dục và tổ chức lực lượng, về trình độ khoa học đấu tranh và hoạt động thực tiễn cách mạng mà còn là việc mở rộng tầm nhìn ra cách mạng thế giới và đi sâu vào các quan hệ dân tộc, giai cấp, quốc tế.

Đường Kách mệnh được coi là văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng ta, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối của cách mạng Việt Nam, định hướng cho mọi hoạt động của cách mạng Việt Nam ở thời điểm đó và các giai đoạn tiếp theo. Những thắng lợi huy hoàng của dân tộc ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, những thành tựu có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đạt được trong hơn 20 năm đổi mới vì mục tiêu xã hội chủ nghĩa, đều bắt nguồn và gây dựng từ những giá trị lý luận cách mạng và khoa học của tác phẩm Đường Kách mệnh. Những tư tưởng cách mạnh có tính thuyết phục cao của tác phẩm còn có tác dụng cổ vũ, giáo dục các thế hệ thanh niên và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Cuốn “Đường Kách mệnh” này do đồng chí Nguyễn Văn Hoan sưu tầm năm 1958 và trao cho Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam năm 1959.

Trong cuốn “Anh cả Nguyễn Lương Bằng” của nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2005, có viết cuốn Đường Kách mệnh hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (Nay là Bảo tàng quốc gia) là do đồng chí Nguyễn Lương Bằng mang về nước. Ngày 05/01/1974, khi tặng cuốn Đường Kách mệnh cho Đảng bộ tỉnh Hải Hưng, đồng chí Nguyễn Lương bằng có gửi bức thư kèm theo, trong đó có đoạn viết “…Được giao trách nhiệm, tôi đã bí mật đem tài liệu này về nước vào khoảng mùa thu năm 1927 và đã phát cho nhiều đồng chí chúng ta đang hoạt động ở các nơi, trong đó có mấy đồng chí của tỉnh nhà...Năm 1958 ta tìm thấy cuốn sách này trong đống hồ sơ của địch bỏ lại ở Tòa án Hà Nội mà chúng đã khám bắt được tại làng Hạ Trường, huyện Thanh Hà trong tỉnh ta”. Nội dung thư đã phần nào giải thích rõ: khi đồng chí Nguyễn Lương Bằng mang tài liệu cách mạng về nước trong đó có cuốn Đường Kách mệnh đã được đồng chí phát cho các cán bộ hoạt động cách mạng tỉnh Hải Hưng, vì một lý do nào đó địch đã bắt được tài liệu này tại làng Hạ Trường, huyện Thanh Hà (Hải Hưng) và đem về lưu giữ lại tại Tòa án Hà Nội, nó trùng với tờ bìa có dòng chữ bằng Hán tự của Phó lý Nguyễn Văn Tôn, xã Hạ Trường nộp cho quan huyện Thanh Hà cuốn sách Đường Kách mệnh đã trình bày ở trên.

Nhận thấy Đường Kách mệnh là một hiện vật có giá trị đặc biệt gắn với sự nghiệp và cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng... Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) đã lựa chọn hiện vật gốc cuốn Đường Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị công nhận bảo vật quốc gia. Và ngày 1 – 10 – 2012, Đường Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành bảo vật quốc gia của Việt Nam.

Dương Hà

baotanglichsu.vn

Chia sẻ: