Quanh Hà Nội ngày nay, đâu đó trong dân gian vẫn còn nhắc tới những cái tên phản ánh dấu vết của các Đấu Đong Quân, như đoạn đê đường La Thành (nơi giao nhau giữa phố Láng Hạ - và phố La thành). Trên thực địa chẳng còn dấu tích gì nhưng dân làng Giảng Võ, đặc biệt là những người già vẫn còn nhắc tới Đấu Đong Quân. Mọi người đều truyền nhau hiểu rằng đó là một tường vây bằng đất đắp cao quá đầu người. Theo lời kể, khi xưa tuyển lính, quân lính vào đứng kín trong đó để ước lượng xem có khoảng bao nhiêu người ? Khi tổng kiểm tra quân số người ta cho lính vào đứng đầy trong đó rồi nhân với số lần lính xếp vào là sẽ biết được số lượng quân lính đã tuyển dụng.
Có một Đấu Đong Quân hiện nay vẫn còn dấu tích trên mặt đất, đó là ở đoạn giữa đoạn đường Bưởi đến dốc Đội Cấn (còn được gọi là dốc Tập Lái). Di tích nằm ngay sát bên đường rẽ sang bên sông Tô Lịch, vốn cũng là ngoại hào của La Thành Thăng Long xưa, hướng đi về phía Bảo tàng Dân tộc học.
Hiện trạng di tích Ủng Thành Đoài Môn
Đây vốn là nơi cửa mở ra phía Tây La Thành. Bên kia là địa phận của Đoài Môn xã. Xã Đoài Môn nay không còn là một đơn vị hành chính nữa. Dân xã Đoài Môn đều chuyển cư đi nơi khác để nhường đất xây dựng thành phố nhưng nhiều người còn nhớ rõ ràng về xã Đoài Môn của mình với nhiều truyền thuyết, giai thoại.
Khảo sát tại di tích Ủng Thành Đoài Môn
Ngoài Đoài Môn có đắp một Ủng Thành. Ủng Thành là một thành bao cửa thành chính, mở lối đi vào cạnh bên (nách). Muốn vào trong thành, phải qua cửa nách của Ủng Thành rồi mới quay một góc 900 để vào trong thành. Như vậy chức năng chính Ủng Thành là không cho vào thẳng cửa thành.
Lối bố cục của Ủng Thành là cách xây thành của người Trung Quốc, có từ thời Hán. Ở Việt Nam, trong Việt Sử lược chép: "Biền (tức Cao Biền) đắp lại La Thành, chu vi 1980 trượng 5 thước (tương đương khoảng 6.139 m) cao 2 trượng 6 thước (tương đương khoảng 8,04m), bốn mặt xây nữ tường (tường thấp) cao 5 thước 5 tấc (tương đương khoảng 1,70m), có 55 lầu vọng dịch (vọng gác), 5 môn lầu (lầu trên cửa thành), 6 Ủng Môn (cửa tò vò, cửa nách) đào 3 ngòi nước, đắp 34 con đường..." Ủng Môn dịch là cửa tò vò, có phần chưa chính xác, nhưng đoạn trích này cho hay La Thành thời Cao Biền có đắp các Ủng Thành. 6 Ủng Thành đó là những chỗ nào, nay chưa rõ hết, mà chỉ còn lại 1, dấu tích còn lại nằm ở Đoài Môn xã, có cây cầu bắc qua sông Tô Lịch để đi về xứ Đoài.
Tháng 9 năm 2002, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng LSQG) đã khảo sát và xác định kích thước theo hiện trạng của Ủng Thành trong khoảng 52m x 54m, với bình đồ gần vuông, bề mặt di tích có nhiều gạch vồ, một loại vật liệu đặc trưng của thời Lê trung hưng (thế kỷ 17-18). Vậy, có thể tường Ủng Thành được xây gạch vồ phía ngoài, trong lòng lèn, nện chặt đất và tồn tại kéo dài đến tận thời Lê trung hưng hay không ?. Nói cách khác, liệu rằng, phía tây La Thành của Cao Biền cũng chính là của La Thành, Đông Đô thời Lê. Con đường hiện nay từ Ủng Thành đi ra chính là con đường cổ từ Đông Đô đến các miền xứ Đoài xưa. Đây mới chỉ là giả thuyết và còn rất nhiều vấn đề liên quan vẫn chưa được nhận thức đầy đủ.
Gạch vồ thời Lê
Diểm trang trí kiến trúc thời Lê
Mảnh ngói mũi thời Lê
Gần đây, do yêu cầu phát triển đô thị, một cầu mới kiên cố qua sông Tô Lịch, đã can thiệp và chỉnh, sửa đoạn đường qua cầu, theo đó, nếu theo đúng quy hoạch mới, toàn bộ tường của Ủng Thành sẽ bị san ủi.
Trước thực tế đó, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng LSQG) cùng Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội đã tiến hành khảo sát thực địa, tổ chức các cuộc họp xin ý kiến các nhà khoa học và các nhà quản lý và có kiến nghị về việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Các ý kiến đều thống nhất, hiện nay Hà Nội chỉ còn một di tích Ủng Thành duy nhất, di tích cần được bảo vệ kịp thời, trước qui hoạch hiện đại. Di tích cần được thăm dò khảo cổ học, để có đánh giá khách quan, khoa học về niên đại, qui mô, chức năng sử dụng và các vấn đề lịch sử liên quan. Trên cơ sở đó, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng LSQG) đã tiến hành thám sát và khai quật di tích Ủng Thành-Đoài Môn, diện tích hơn 100m.2
Mảnh miệng thạp men trắng thời Trần
Mảnh đĩa gốm men xanh lục thời Lê sơ
Mảnh đĩa gốm thời Lê
Đoàn Chất